0 - 50,000 đ        

Có một ngày hội văn hóa của người Bình Định tại Sài Gòn

Trong ngày này, người dân Sài Gòn, người dân miền đất phương Nam được thưởng thức những hoạt động văn hóa cổ truyền đặc sắc nhất, những sản vật do người Bình Định làm ra, những món ăn độc đáo khác biệt mà chỉ Bình Định mới có. 

Như thông lệ hằng năm, vào đầu năm mới âm lịch, Hội đồng hương tỉnh Bình Định tại TP.HCM tổ chức ngày hoạt động văn hóa của người Bình Định. Đây là lần thứ tư hoạt động này được tổ chức trong 4 năm liền, và có thể nói, đã dần dần trở thành hoạt động văn hóa truyền thống của người Bình Định tại TP.HCM.

Chơi bài chòi cổ.
Chơi bài chòi cổ.

“Hoạt động được tổ chức đúng với bản chất, ý nghĩa là ‘ngày hội của người Bình Định’ cả về nội dung và hình thức”, ông Lê Gia Phước, Phó Chủ tịch Hội đồng hương tỉnh Bình Định tại TP.HCM, cho biết. “Các hoạt động diễn ra trong ngày hội mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của người Bình Định. Đó là các hoạt động biểu diễn văn hóa nghệ thuật truyền thống, trò chơi dân gian, võ thuật Tây Sơn – Bình Định, tổ chức phục vụ các món ăn và sản vật nổi tiếng của miền đất võ”.

Bên cạnh đó là các hoạt động giao lưu của người Bình Định tại TP.HCM với nhau và với người Bình Định từ quê nhà vào tham dự, cũng như giao lưu của người Bình Định với cộng đồng dân cư ở Sài Gòn, của doanh nhân Bình Định với cộng đồng, với học sinh sinh viên Bình Định…

Thưởng thức ruượu Bàu Đá của cơ sở Thành Tâm, được sản xuất tại chính quê hương Bàu Đá, xã Nhơn Lộc, huyện An Nhơn, Bình Định.
Thưởng thức ruượu Bàu Đá của cơ sở Thành Tâm, được sản xuất tại chính quê hương Bàu Đá, xã Nhơn Lộc, huyện An Nhơn, Bình Định.

Theo ông Phước, ngoài ý nghĩa là ngày hội của người Bình Định, việc cộng đồng cư dân mọi miền đất nước đang định cư tại TP.HCM đến tham dự, vui chơi, cũng là một dịp để địa phương tỉnh và người Bình Định giới thiệu, đưa các giá trị văn hóa của mình đến với mọi miền.

Chủ đề ngày hội năm nay mang tên “Tự hào người Bình Định”, khai mạc vào 15g ngày 11/2 và kéo dài đến hết ngày 12/2, tại Khu Chợ phiên Nông sản An toàn, số 195 – 197 Cao Thắng, Phường 12, Quận 10, TP.HCM. Điểm khác biệt là năm nay, sự kiện kéo dài đến 2 ngày. Ở các năm trước, hoạt động chỉ gói gọn trong một ngày, nhưng đã thu hút hàng chục ngàn người đến tham dự, vui chơi, thưởng thức các sản phẩm Bình Định.

Tại ngày hội này, người TP.HCM và du khách sẽ được tận mắt xem biểu diễn trống trận Quang Trung, võ và võ Tây Sơn – võ Bình Định cổ truyền. Võ Bình Định là môn võ nổi tiếng không những người trong nước mà được cả thế giới biết đến, ngưỡng mộ và không ngừng nghiên cứu. Võ thuật Bình Định cũng là một yếu tố văn hóa phi vật thể, góp thêm vào khu vườn văn hóa nghệ thuật đa sắc màu của vùng đất này, từ thơ ca đến sản phẩm.

Khách tham dự sẽ được nghe các làn điệu dân ca Bình Định mà tiêu biểu và đặc sắc nhất là ca bài chòi, gắn với sinh hoạt truyền thống cổ xưa, với việc tái hiện sinh hoạt chơi bài chòi cổ với những chòi lá cất cao và người ta cùng nhau trong tiếng đàn kìm, đang nguyệt, trống con và cả trống chầu.

Ở khu trưng bày sản phẩm văn hóa, du khách sẽ được tận mắt chứng kiến và có thể mua những chiếc nón lá Gò Găng. Chiếc nón không chỉ nên thơ không kém nón bài thơ của Huế, mà còn mang một giá trị văn hóa – lịch sử lâu đời với câu chuyện đầy cảm động về mối tình thủy chung của người con gái xứ sở nón lá với người con trai nghèo nhưng vẫn xứng đáng là một tráng sĩ trong thời đất nước loạn ly.

Món song hành tuyệt đối không thể thiếu khi uống rượu Bàu Đá là nem chả Chợ huyện. Dường như hai món này là tạo ra cho nhau.
Món song hành tuyệt đối không thể thiếu khi uống rượu Bàu Đá là nem chả Chợ huyện. Dường như hai món này là tạo ra cho nhau.

Phong phú và hấp dẫn du khách lẫn người Bình Định nhất là ở khu vực “Hồn quê Bình Định”, với các món ăn đặc sản của vùng đất văn vật. Ngoài bánh ít lá gai, nem chợ Huyện Tuy Phước, rượu Bàu Đá An Nhơn, bánh tráng nước dừa Tam Quan là những món sản phẩm nổi tiếng cả nước, du khách sẽ được thưởng thức bún tôm Phù Mỹ, bánh dây Hoài Nhơn, dé đắng Tây Sơn, cá chua Phù Cát, trà Gò Loi Hoài Ân.

Rượu Bàu Đá cay nồng uống một ly là say lâng lâng, hồn ta thanh thoát. Còn trà Gò Loi, chỉ cần một ngụm vào buổi sáng là vị ngọt đọng đến trưa. Trà Gò Loi, loại trà chỉ có ở một vùng đất rất nhỏ thuộc một thôn ở xã Ân Tường huyện Hoài Ân nhưng xứng đáng là danh trà, được yêu chuộng hơn cả trà Thái Nguyên. Năm 1998, nông trường chè Gò Loi giải thể, trà Gò Loi bị gián đoạn một thời gian dài. Và mới đây, dự án phục hồi loại trà quý hiếm này đã thực hiện thành công, hiện đã bắt đầu có trà đưa ra thị trường dù còn rất ít ỏi. Trà Gò Loi không chỉ là một sản phẩm cây chè bình thường, mà đã trở thành sản phẩm văn hóa, niềm tự hào của người Hoài Ân – Bình Định.

"Muốn ăn bánh ít lá gai Lấy chồng Bình Định sợ dài đường đi"
“Muốn ăn bánh ít lá gai
Lấy chồng Bình Định sợ dài đường đi”

Tại ngày hội này, du khách sẽ cảm nhận về đất nước và con người Bình Định còn được tái hiện bởi những gian trưng bày các tác phẩm nghệ thuật, bao gồm tác phẩm văn chương, tranh ảnh nghệ thuật. Chủ đề “Tiếng gọi quê mình” trưng bày các dự án, tiềm năng và triển vọng để khách tham quan có thể suy nghĩ về việc đầu tư về nơi đây. Hiện nay, tỉnh này đang thúc đẩy các hoạt động du lịch, trong đó bao gồm du lịch xanh, du lịch sinh thái. Tiếng cồng chiêng của cộng đồng người đồng bào miền núi huyện Hoài Ân sẽ thôi thúc giới làm kinh doanh du lịch. Bình Định cũng đang kêu gọi đầu tư vào các dự án nông nghiệp. Bưởi da xanh là một loại cây quả rất phù hợp với vùng đất này. Bên cạnh đó là các dự án công nghiệp, kỹ nghệ, cảng biển… cũng được trưng bày, cung cấp thông tin cho giới đầu tư.

Bình Định là tỉnh bị thiệt hại nặng nề nhất trong 5 đợt lũ lụt từ giữa tháng 10 đến giữa tháng 12 năm 2016 vừa qua. Toàn tỉnh có đến 36 người chết vì lũ dữ. Hàng ngàn ki-lô-mét đường sá, cầu cống, kênh mương bị sạt lở, hàng hàng héc-ta cây lương thực, hoa màu bị cuốn trôi, cả chục ngàn ngôi nhà bị sập đổ, nhấn chìm, hàng ngàn hộ dân bơ vơ màn trời chiếu đất. Nhưng không vì thế mà ngày hội người Bình Định tại Sài Gòn năm nay kém vui. Người dân Bình Định, vốn đã quen với khó khăn, luôn có cách để vượt lên, chủ động lấy cuộc sống, khắc phục khó khăn để vươn tới.

Anh về Bình Định mà coi Con gái Bình Định đi roi đi quyền.
“Ai về Bình Định mà coi
Con gái Bình Định đi roi đi quyền”.

Do đó, ngày hội năm nay, sự tham gia lớn nhất vẫn chính là nguồn lực, con người, các tổ chức cá nhân từ chính quê hương Bình Định đưa vào tham dự. Đây là lần tổ chức thứ tư, có thể nói, ngày hội đã thành ngày sinh hoạt văn hóa truyền thống của người Bình Định tại Sài Gòn. Điều đáng ghi nhận là, tất cả những ngày hội này đều có mặt lãnh đạo cao nhất của tỉnh Bình Định vào tham dự. Không chỉ tham dự, lãnh đạo tỉnh này còn tranh thủ gặp gỡ doanh nghiệp doanh nhân trong và ngoài tỉnh, sinh viên, động viên việc học tập công tác và đầu tư về quê hương.

Đường roi Hồ Ngạnh đối kháng song đao.
Đường roi Hồ Ngạnh đối kháng song đao.

Chủ đề sinh hoạt năm nay là “Tự hào người Bình Định” hoàn toàn không quá mức về bản chất, ý nghĩa và cảm xúc. Truyền thống yêu quê hương, giữ gìn bản sắc Bình Định, cần cù học tập, lao động, khao khát vươn lên làm giàu, là phẩm chất quý giá và xứng đáng để tự hào.

Đặng Vỹ

http://nhaquanly.vn/co-mot-ngay-hoi-van-hoa-cua-nguoi-binh-dinh-tai-sai-gon-d10521.html
TIN TỨC KHÁC
  • Vui lòng đợi ...

    Đặt mua sản phẩm

    Xem nhanh sản phẩm