Làng rượu Bàu Đá thuộc địa phận của thôn Cù Lâm, xã Nhơn Lộc, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Đây là làng nghề sản xuất ra rượu Bàu Đá nổi tiếng của tỉnh Bình Định, được nhà thơ Nguyễn Duy vinh danh là “đệ nhất tửu”, thi sĩ Tản Đà phong tặng “đệ nhị danh tửu”.
Từ thành phố Quy Nhơn, quý khách đi theo quốc lộ 1A đến cầu Bà Di, tiếp đó rẽ theo quốc lộ 19 khoảng 10km nữa sẽ đến xã Nhơn Lộc, tại đây, quý khách có thể hỏi đường đến làng Bàu Đá.
Ngày nay, tại làng Bàu Đá hầu như ai cũng nấu rượu cả, ngoài việc nấu rượu để đáp ứng như cầu thị trường ra, họ còn dùng hèm (bã rượu) để nuôi heo, heo được nuôi từ hèm có chất lượng thịt tốt và da dẻ hồng hào.
Nguyên liệu chính để nấu rượu Bàu Đá gồm có : gạo, men, nguồn nước ngầm của làng Bàu Đá. Phương pháp nấu được chia sẻ công khai nhưng những nơi khác không thể nấu ra rượu có mùi thơm và hương vị đặc trưng của rượu Bàu Đá được. Vì vậy nên ta thấy yếu tố chính để làm ra rượu Bàu Đá là nguồn nước ngầm tại làng.
Cách nấu rượu Bàu Đá: gạo được nấu thành cơm, trộn đều với men và ủ khô trong 3 ngày. Sau đó cho nước vào ủ thêm 2-3 ngày nữa. Sau đó cho cơm rượu vào lò đun sôi, hơi rượu đi theo ống dẫn qua bộ phận làm lạnh để ngưng tụ rượu. Từ đó, chúng ta thu được rượu Bàu Đá trong suốt và ngửi được mùi vị đặc trưng của nó.
Rượu sau khi được nấu xong, cơ sở rượu Bàu Đá Thành Tâm còn ủ trong lu từ 6 tháng đến 1 năm để làm rượu ngon hơn và giảm nồng độ
andehit (chất gây đau đầu) giúp rượu uống ngon hơn, vì vậy nên rượu Bàu Đá có nồng độ từ 45-50 độ nhưng khi uống ta cảm thấy nhẹ và không gắt như các loại rượu có nông độ cao khác.
Hiện nay, rượu Bàu Đá Bình Định đã và đang được người tiêu dùng trong tỉnh, trong nước và du khách nước ngoài rất ưa chuộng vì chất lượng rượu không thua kém những sản phẩm rượu nổi tiếng khác như: Rượu làng Vân (Bắc Giang), rượu Sán Nùng (Lào Cai)… Để sản phẩm rượu Bàu Đá ngày càng nổi tiếng hơn, xã Nhơn Lộc đã đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng, các khu bán đồ lưu niệm phục vụ khách tham quan, đặt biển hướng dẫn đến làng nghề trên quốc lộ 1A, quốc lộ 19 và tỉnh lộ 636B; đồng thời, phát triển làng nghề dưới hình thức làng nghề du lịch sinh thái.