0 - 50,000 đ        

Người giữ lửa cho rượu Bầu Đá

Nếu như miền Bắc có rượu Làng Vân, miền Nam là rượu Gò Đen thì miền Trung có rượu Bầu Đá. Rượu Bầu Đá từng được thi sĩ Tản Đà phong danh hiệu "Đệ nhị danh tửu", bởi vị ngon đậm đà của rượu. Trong thời buổi kinh tế thị trường nhiều người vì lợi nhuận đã đánh mất chất lượng rượu. Tuy vậy, hiện nay nhiều người dân ở xã Nhơn Lộc (An Nhơn) vẫn quyết tâm giữ "lửa" cho làng nghề.

Để có sản phẩm rượu Bầu Đá chất lượng, đòi hỏi người nấu thực hiện nhiều công đoạn rất phức tạp. Từ các công cụ như ống dẫn nồi hơi làm bằng tre, đồ hứng rượu làm bằng vại sành được bịt kín lại khi rượu vào, lửa nấu riu riu... Người nấu nghe nhịp rơi của rượu mà thêm hoặc bớt lửa. Với phương pháp nấu thủ công kết hợp với nguồn nước đặc biệt trong vùng là những yếu tố góp phần làm cho rượu Bầu Đá trở nên nổi tiếng khắp mọi miền.

Thời gian gần đây, nhiều người đã lợi dụng danh hiệu của rượu Bầu Đá để kinh doanh ồ ạt. Họ đã làm sai quy trình sản xuất rượu, nên có sự xuất hiện rượu Bầu Đá thật và giả trên thị trường, gây mất lòng tin ở mọi người. Trước thực trạng này, một số người ở Nhơn Lộc vốn là gia đình truyền thống nấu rượu nảy ra ý định giữ "lửa" cho rượu Bầu Đá, làm sao vừa đáp ứng được nhu cầu thị trường vừa giữ nồng độ rượu. Người đi đầu là ông Phạm Long Trọng, Chủ nhiệm HTX Nhơn Lộc II. Năm 2001, ông mở cơ sở đóng chai rượu Bầu Đá gồm 2 loại: 250 và 500 ml đã được kiểm nghiệm và sản phẩm đã đi tới thị trường TP Hồ Chí Minh, Huế. Bước đầu khả quan nhưng cơ sở này không thể phát triển lớn, vì vốn đầu tư có hạn.

Sau đó, ông Nguyễn Thành Tâm, thôn An Thành cũng có cùng tâm niệm như ông Trọng, bước đầu thực hiện thành công. Xuất phát điểm việc làm của ông Tâm là từ nguyện vọng của bà con trong làng. Ban đầu, ông chỉ là người chở rượu của bà con đi bán, sau phát triển bằng cách mua gạo về nấu rượu cùng bà con. Cơ sở thu mua chính thức rượu Bầu Đá là Thanh Hương. Nhu cầu thu mua từ 1.000-2.000 lít/ tháng. Hết năm 2002 cơ sở này không mua rượu của làng ông nữa, gây lao đao cho bà con. Bức xúc sự việc trên, sẵn dịp Festival Huế, ông Tâm đánh bạo mang sản phẩm rượu Bầu Đá ở quê hương mình ra giới thiệu sản phẩm và chào bán, mở ra cơ hội mới cho rượu Bầu Đá có mặt khắp nơi trong nước và phát triển sang các nước khác.

Sau khi về địa phương, ông Tâm lập cơ sở sản xuất của riêng mình. Trước lòng tin của mọi người về rượu Bầu Đá, ông yêu cầu bà con nấu rượu bằng men ngon. Rượu ra phải trong và thơm với điều kiện 5 kg gạo nấu 3 lít rượu. Sau khi thu mua, ông mang rượu đổ trong vại sành ủ vào trong lúa từ 6-8 tháng mới mang ra đóng chai. Trước khi rượu vào chai phải cho vào bình lọc. Chai được súc, phơi và thực hiện công đoạn đóng chai trong phòng vô trùng. Sản phẩm của ông đã được Bộ KHCN&MT, Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng cấp giấy thông hành ngày 5-11-2002. Ngoài chất lượng rượu, ông Tâm còn quan tâm đến mẫu mã chai rượu, sao cho phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Sắp tới, ông sẽ đặt 2 mẫu chai rượu ở TP. Hồ Chí Minh để thu hút khách hàng hơn nữa. Hiện nay cơ sở chưa có thiết bị đóng nắp, nguồn vốn tự có không đáp ứng được. Tuy nhiên, ông Tâm vẫn tìm mọi cách để giới thiệu sản phẩm của mình qua các hội chợ: Festival Huế, Expo Hải Phòng, Đà Nẵng… Đến nay, sản phẩm rượu Bầu Đá đã đi tới Hà Nội, Huế, Đà Lạt, TP Hồ Chí Minh, sang nước bạn Campuchia và Lào. Đây là thời điểm rượu Bầu Đá lấy lại danh hiệu của mình.

Nhờ vào quyết tâm bảo vệ chất lượng rượu Bầu Đá, những người như ông Trọng, ông Tâm đã góp phần phát triển một làng nghề truyền thống cho quê hương mình, đồng thời giải quyết việc làm cho người dân. Danh hiệu của rượu Bầu Đá từ nay được bảo đảm mở rộng thị trường không chỉ bằng chất lượng, mà còn ở mẫu mã bao bì của nó.

Ngọc Nhi

Theo Báo Bình Định

 
 
 
 
TIN TỨC KHÁC

Vui lòng đợi ...

Đặt mua sản phẩm

Xem nhanh sản phẩm